Gọi Yến về nhà
Chuyện tưởng lạ mà không lạ. Loài chim yến quý hiếm có khả năng sản sinh ra loại “vàng trắng” giờ đây không chỉ phát triển mạnh ở đảo xa mà sáng sáng, chiều chiều, đàn chim còn ríu rít bên con người trong căn nhà chung ấm áp.
Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng muốn tạo cho chúng tôi sự bất ngờ. Trong 2 ngày đầu tháng Tư, anh đưa tôi cùng đồng nghiệp thực hiện chuyến “vi hành” đến những căn nhà yến ở một số tỉnh, thành phía Nam.
Nhà yến của ông K. tại TP. Phan Thiết.
Sau 4 tiếng đồng hồ lăn bánh, chiếc xe Toyota Zace đưa chúng tôi đến TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Căn nhà yến đầu tiên chúng tôi vào nằm trên một con phố nhỏ gần chợ. Căn nhà 2 tầng cũ kỹ, ẩm thấp, gian trước tầng trệt là hiệu thuốc gia truyền của một người Chăm. Sau mấy phút làm quen, ông chủ nhà bắt đầu câu chuyện nuôi yến một cách dè dặt: “Chuyện nuôi yến y như được trời cho. Trước đây tôi thấy “nó” về bệnh viện, rồi lại tá túc ở chợ, mấy con lảng vảng đến nhà, sợ phân chim rơi bẩn thỉu, tôi dùng cây xua đi nơi khác. Cuối năm 2006, nghe tivi và báo chí nói Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nuôi được yến trong nhà, đầu năm 2007 tôi đến Công ty tìm hiểu. Nghe xong câu chuyện, Công ty đồng ý, rồi cử người vào giúp, chuyển giao công nghệ và không ngờ tôi đã thành công”. “Ông có đếm được bao nhiêu con không?”. “Cụ thể thì chịu, chỉ ước lượng thôi, ít nhất đã có khoảng 500 đến 600 con”. Ông K. khấp khởi: “Nó đang làm tổ và đẻ con, lứa đầu sợ đôïng nên tôi chưa dám hái, chỉ gỡ dần tổ giả”. Ông dẫn chúng tôi lên thăm nhà yến. 3 căn phòng tối thui, nhưng tiếng kêu ríu rít và tiếng vỗ cánh phành phạch của đàn chim thì nghe rất rõ. Ít phút sau, chúng tôi ra khỏi nhà. Ngước nhìn lên bầu trời TP. Phan Thiết, có rất nhiều cánh chim chao liệng. “Yến của nhà tôi đấy” - ông K. nói rồi cười tít mắt.
Núi yến tại Đại Nam thế giới du lịch (Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Chia tay ông K., chúng tôi lên đường đến Biên Hòa. Mới 3 giờ chiều, kỹ sư Lê Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Kỹ nghệ nuôi yến (Sanatech) Công ty Yến sào Khánh Hòa và các kỹ sư công nghệ chim yến đưa chúng tôi đến Đại Nam thế giới du lịch tại xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là khu du lịch phức hợp tầm cỡ quốc tế, mang đậm nét văn hóa Viêït Nam. Với diện tích 450 ha, đầu tư giai đoạn đầu 6.000 tỷ đồng, Đại Nam thế giới du lịch có đủ đền đài, thành quách, núi non, sông hồ, biển cả, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, khách sạn… Một loạt công trình lớn đã và đang được hình thành như: Quảng trường Đại Nam rộng 10 ha với 100.000 chỗ ngồi; Đại Nam Quốc tự còn gọi là đền thờ Tứ Ân rộng 5.000m2: Ân tạo hóa, Ân đất nước, Ân dân tộc, Ân tông đường. Bảo Tháp và núi Ngũ Hành (Bảo Sơn) là những công trình độc đáo của Đại Nam thế giới du lịch. Dãy núi nhân tạo dài nhất Việt Nam, mỗi ngọn núi có chiều cao bằng căn nhà 12 tầng, bên trong thiết kế nhiều hang động thạch nhũ, được đắp các mô hình ghi lại những trận đánh lớn, những truyền thuyết dân gian Việt Nam. Thế nhưng, điều lý thú nhất là sau khi Ngũ Hành Sơn hình thành, thấy thời tiết khí hậu ở Bình Dương, nhất là điều kiện môi sinh tại Bảo Tháp quá tốt, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tư vấn và theo yêu cầu của Đại Nam, Công ty đã chuyển giao công nghệ nuôi yến, nên giờ đây Ngũ Hành Sơn đã trở thành núi yến. Từ sân Đại Nam Quốc tự, chúng tôi quan sát từng đàn yến bay kín trời. Ông Hải, kiến trúc sư giám sát thi công Ngũ Hành Sơn nói vui: “Công trình chưa đón được khách du lịch thì đã bị chim yến chiếm đóng”. Bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Ngũ Hành Sơn, cho biết: “Đàn chim phát triển từng ngày, từ tầng 12 núi 1 và núi 2, nay đã lấn xuống tầng 11, 10, 9… Số lượng đàn chim từ vài chục con đã tăng lên vài trăm và đến nay ước tính mấy ngàn con. Tiếp nhận công nghệ nuôi yến trong nhà của Công ty Yến sào Khánh Hòa mới hơn 1 năm nhưng Đại Nam thế giới du lịch đã thu 6kg tổ yến. Đó là chưa kể số tổ chim mẹ đang ấp trứng, nuôi con còn chiếm khoảng 1/3 số tổ đã thu hoạch. Ngày 2-9 năm nay, Đại Nam thế giới du lịch sẽ đón khách vào vui chơi giải trí và tham quan. Có thể khách du lịch sẽ không được leo cao, chui sâu trong Ngũ Hành Sơn như dự kiến, nhưng sự xuất hiện của đàn chim yến hàng năm không chỉ đưa về cho nhà đầu tư số lượng tổ yến đáng kể mà còn tạo thêm cảnh quan độc đáo mới cho Đại Nam thế giới du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách”. Bà Hà sử dụng chiếc taxi điện tự lái đưa chúng tôi vào Ngũ Hành Sơn. Ông Nguyễn Văn Đệ, bảo vệ núi yến mở phòng điện tử. Hệ thống camera hồng ngoại đã cho chúng tôi thưởng thức một cách ngoạn mục toàn bộ cuộc sống của gia đình nhà yến. Chúng ríu rít bám đầy vách núi, nhả “ngọc” làm tổ, đẻ trứng, nuôi con, phát triển bầy đàn, sản sinh ra thứ tài nguyên quý hiếm gọi là “vàng trắng”.
Nhà yến (X) của ông Hoài tại thị xã Gò Công, Tiền Giang.
Buổi tối, khi chúng tôi đang còn tạm nghỉ tại TP. Hồ Chí Minh, một số đồng nghiệp ở VTV2 biết chuyện tìm đến xin nhập hội. Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường xuống thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Ông Nguyễn Văn Hoài, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoài vui vẻ: “Căn nhà 3 tầng mới xây hơn 1 năm, yến đã chiếm mất 2 tầng, buộc vợ chồng con cái phải “rút quân” xuống tầng trệt”. Cũng như ông K. ở Phan Thiết, số lượng đàn chim của ông Hoài không đếm được, chỉ ước lượng khoảng trên dưới 1.000 con. Vụ yến vừa rồi ông thu hơn 1kg tổ yến, ngoài số tổ chim đang đẻ, ấp trứng và nuôi con. Bà Phượng, vợ ông Hoài cho biết: “Từ ngày yến về, sáng nào ổng cũng ngắm xem yến liệng; chiều về lại làm công tác kỹ thuật trong nhà yến do các kỹ sư ở Công ty Yến sào Khánh Hòa hướng dẫn”. Chúng tôi lên thăm nhà yến. Ông Hoài cười hề hề: “Các anh thông cảm, chìa khóa nhà yến tôi giữ, nhưng vạn sự khởi đầu nan nên…”. Tuy không cho chúng tôi xem cơ ngơi của mình nhưng khi nói về việc nuôi yến, ông Hoài lại rất thoải mái: “Nghe báo đài nói Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ấp nở và nuôi được yến trong nhà, tôi nghĩ ở nước ta Khánh Hòa là xứ sở của yến, nếu Công ty đã nuôi thành công thì nhất định có nhiều kinh nghiệm và kiến thức khoa học nên phải ra tận nơi xem sao. Năm 2005, tôi ra Nha Trang, gặp kỹ sư Nguyễn Xuân Viễn, Phó Giám đốc Sanatech tại hội chợ. Anh cho biết nhiều điều thú vị về nuôi yến trong nhà, sau đó lại cho tôi tham dự hội thảo khoa học giới thiệu và thảo luận về công nghệ nuôi yến. Tôi kể chuyện và đặt vấn đề. Giám đốc Lê Hữu Hoàng hứa sẽ giúp. Năm 2006, tôi xây nhà yến. Cứ xây 3 tầng, nếu chim không ở thì mình ở. Xây xong, Công ty chuyển giao công nghệ, nửa tháng sau chim đến. Từ đó tới nay, mới hơn 1 năm mà đàn chim đã phát triển như vậy, mừng hết chỗ nói…”.
Tác giả Nguyễn Xuân