Lễ hội Yến sào Khánh Hòa: Bảo tồn và phát triển trên nền tảng của tiền nhân

Lễ hội Yến sào Khánh Hòa: Bảo tồn và phát triển trên nền tảng của tiền nhân

30/06/2015  

Ghi nhớ công ơn Theo sử sách, năm 1328, trong chuyến công cán phương Nam, Đề đốc thủy quân nhà Trần là Lê Văn Đạt cùng đoàn quân gặp bão lớn, nên thuyền dạt vào đảo Hòn Tre (Khánh Hòa). Tại đây, sau khi phát hiện các đảo yến, ông thành lập đội quân bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên này. Nghề yến sào nước ta ra đời từ đó và ông được đời sau suy tôn là Thủy tổ nghề yến sào VN.

  Đền thờ Thủy tổ nghề yến sào ở Hòn Nội (Khánh Hòa) - Ảnh: công TY Yến sào Khánh Hòa

Đền thờ Thủy tổ nghề yến sào ở Hòn Nội (Khánh Hòa) - Ảnh: công TY Yến sào Khánh Hòa

Những người có công kế nghiệp Thủy tổ nghề yến là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tại dinh Bình Khang kiêm tổng quản quần đảo Hòn Tre và các đảo yến. Bà đã tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu… cho nhà Tây Sơn. Ngày 10.5 năm Kỷ Sửu (1793), trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc và các đảo yến, Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang đã anh dũng hy sinh.

Từ đó, ngày 10.5 âm lịch hằng năm, người dân địa phương tổ chức cúng giỗ Thánh mẫu Lê Thị Huyền Trâm và tướng sĩ Tây Sơn. Lễ hội Yến sào Khánh Hòa được tổ chức tại đền thờ Tổ nghề yến trên đảo yến Hòn Nội, để ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối ngành nghề yến sào và những người ngã xuống vì biển đảo quê hương.

Phát triển bền vững

Lễ hội Yến sào Khánh Hòa còn là dịp để cán bộ, công nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa nhìn lại những thành tựu đạt được trong việc bảo tồn và phát triển ngành nghề yến sào.

Trước hết phải kể đến việc bảo tồn và phát triển hang, đảo yến. Ngay từ năm 2001, công ty đã tiến hành khảo sát các hang, đảo yến trên vùng biển từ huyện Ninh Hòa đến thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa). Đồng thời nghiên cứu giải pháp cải tạo lòng hang, đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và cấu trúc hang phù hợp; nghiên cứu ấp nở nhân tạo nguồn giống chim yến Hàng; phát triển các hang yến nhân tạo và lập các đảo yến mới; tiến hành di đàn chim yến thành công… Đến năm 2014, công ty đã phát triển được 129 hang yến mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sản lượng yến đảo thiên nhiên.

Hơn 20 năm qua, trên nền tảng nghiên cứu khoa học và bí quyết kỹ thuật truyền thống, công nghệ thu hoạch sản phẩm yến sào và quy trình quản lý hang đảo ở Khánh Hòa ngày càng được hoàn thiện ở trình độ cao. Công ty Yến sào Khánh Hòa đã được Cơ quan thực thi Công ước quốc tế về các loài động vật quý hiếm (CITES) khẳng định là nhà quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên yến sào bậc nhất Đông Nam Á. Công nghệ thu hoạch sản phẩm yến sào và quy trình quản lý hang, đảo yến của công ty rất khoa học, được đánh giá vượt trội so với các nước khác.

Hiện nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa quản lý 32 đảo yến với 169 hang yến trải dài từ huyện Vạn Ninh đến TP.Cam Ranh. Công ty có 4.685 cán bộ, công nhân viên; 20 đơn vị trực thuộc và 3 công ty cổ phần thành viên; trên 900 nhà phân phối, đại lý trong nước và quốc tế; chiếm giữ thị phần khai thác yến sào từ các đảo yến thiên nhiên hàng đầu VN. Thương hiệu Yến sào Khánh Hòa đã khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế với nhiều danh hiệu, chứng nhận chất lượng từ các tổ chức uy tín trong và ngoài nước.

Đối với vấn đề phát triển ngành nghề yến sào trên nền tảng của tiền nhân để lại, thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, nói: “Công ty Yến sào Khánh Hòa phát triển vững mạnh như ngày hôm nay là nhờ công lao của các bậc tiền hiền, tiền bối đã tâm huyết xây dựng ngành nghề yến sào. Với lòng biết ơn sâu sắc, các thế hệ lãnh đạo công ty qua các thời kỳ, hội cựu cán bộ, công nhân viên và toàn thể công ty quyết tâm xây dựng ngành nghề yến sào Khánh Hòa ngày càng lớn mạnh và bền vững”.

Thùy Linh

THANH NIÊN