Nuôi dưỡng "vàng trắng"
Hằng năm, Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ nuôi chim yến Sanatech nuôi dưỡng thả về tự nhiên gần 10.000 chim yến
Ông Nguyễn Xuân Viễn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ nuôi chim yến Sanatech, thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết việc nuôi dưỡng thả chim về tự nhiên có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính nhân văn, nhằm tạo nguồn chim giống, gia tăng quần thể chim yến, góp phần vào sự phát triển bền vững ngành nghề.
Cứu nạn
Những ngày này, hơn 15 cán bộ kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ nuôi chim yến Sanatech đang tỏa đi các đảo để cứu nạn chim yến con khi đến mùa sinh sản. Đang có mặt tại đảo Yến (vịnh Nha Trang), nhân viên Nguyễn Chiến Thắng cho biết việc cứu nạn chim non trong các hang yến gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những ngày sóng to gió lớn, nếu không cẩn thận rất dễ trượt chân té ngã, hoặc khi gió to có thể quật ngã người. "Chim non ở cao nếu không cứu nạn thì khả năng chết rất cao. Công việc cứu nạn chim yến chuẩn bị khá công phu. Trước tiên, chúng tôi phải leo lên các vách đá cheo leo bằng sào tre, sau đó giăng lưới như những chiếc võng để hứng chim non bị sa xuống hang đá" - anh Thắng nói.
Chăm chim yến con bằng cả tấm lòng Ảnh: NGUYỄN THỊ LÀNH
Với 15 năm kinh nghiệm nuôi chim yến, ông Nguyễn Xuân Viễn chia sẻ trước đây, theo truyền thống ngành nghề, tiến hành thu tổ yến "thu tổ, đổ trứng". Nguồn trứng khi thu hoạch được sử dụng với nhiều mục đích nên ảnh hưởng đến việc phát triển đàn chim yến.
Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Yến Sào Khánh Hòa) hết sức trăn trở, đã cùng cộng sự nghiên cứu và thực hiện thành công đề tài "Quy trình công nghệ, kỹ thuật ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến hàng qua từng giai đoạn phát triển". Số lượng chim yến sau khi ấp nuôi nhân tạo được thực hiện bí quyết kỹ thuật di đàn đến các hang, đảo để bổ sung nguồn giống, gia tăng quần thể đàn chim yến.
Vào những mùa thời tiết không thuận lợi, một số chim con bị rơi ra khỏi tổ, cán bộ kỹ thuật thực hiện các biện pháp cứu hộ chim yến con về đất liền nuôi dưỡng, sau khi chim con khỏe mạnh sẽ di đàn trở lại các hang, đảo nơi chúng đã sinh sống.
Chăm chút
Hiện Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ nuôi chim yến Sanatech đang áp dụng "Quy trình công nghệ, kỹ thuật ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến hàng qua từng giai đoạn phát triển", quy trình được nghiên cứu cải tiến và hoàn thiện qua từng năm, theo tiêu chuẩn ISO 9001 : 2008.
Theo ông Viễn, để tạo ra đàn chim yến khỏe mạnh đòi hỏi phải thực hiện tốt tất cả giai đoạn trong quy trình. Ở mỗi giai đoạn đều có khó khăn nhất định, đòi hỏi kỹ thuật viên nuôi chim con phải có sự tâm huyết; cán bộ kỹ sư không ngừng nghiên cứu cải tiến quy trình dựa trên đặc điểm sinh học của chim yến để tạo ra đàn chim yến khỏe mạnh, giúp chim yến hòa nhập tốt với môi trường tự nhiên sau khi di đàn. "Việc ấp trứng có nhiều tiêu chuẩn như: trứng ấp, nhiệt độ, ẩm độ, chế độ ấp để chim con nở ra hồng hào, khỏe mạnh hay công tác chăm sóc chim con đòi hỏi phải có nguồn thức ăn, chế độ dinh dưỡng trong quá trình nuôi, quản lý yếu tố môi trường phải được quan tâm đặc biệt" - ông Viễn cho biết.
Gia đình nhà yến trên đảo được chăm sóc Ảnh: NGUYỄN LỰC
Cũng là người nuôi chim yến nhiều năm, bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ nuôi chim yến Sanatech, cho biết phải thực hiện mô phỏng lại toàn bộ quá trình nuôi chim yến con ngoài tự nhiên của chim bố mẹ từ cách cho ăn, khẩu phần thức ăn, đặc biệt là úm chim con vào ngày thời tiết lạnh hoặc về đêm… Để chăm những "đứa con" của mình, cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã chế tạo máy sưởi, máy úm chim con, có chế độ điều khiển tự động, bảo đảm phù hợp với đặc điểm sinh học của chim yến, giúp chim con phát triển tốt nhất và tiết kiệm gần như toàn bộ thời gian trực đêm cho kỹ thuật viên trong mùa nuôi.
Trong quá trình nuôi dưỡng có nhiều chim yến non rơi xuống, bị thương nặng, khó có thể phục hồi, nhiều con bị dị tật chỉ có thể nuôi sống chứ không thể thả về hang, đảo nhưng cán bộ kỹ thuật vẫn tận tình chăm sóc, cố gắng nuôi sống. Có những chú chim khi cứu nạn được 20 - 30 ngày tuổi quen tập tính mớm mồi của chim bố/mẹ, vì vậy công tác chăm sóc gặp nhiều khó khăn vì chim nuôi không chủ động tiếp nhận thức ăn nhân tạo. Mỗi lần cho chim ăn, phải tạo ra nguồn thức ăn với hàm lượng chất dinh dưỡng phù hợp, thao tác cho chim ăn đòi hỏi phải kiên trì, cẩn thận, mất nhiều thời gian.
Như chăm con mọn
Hằng năm Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ nuôi chim yến Sanatech nuôi dưỡng đưa về tự nhiên từ 7.000 - 10.000 chim yến. "Việc nuôi dưỡng chim yến ngoài công tác chuyên môn thì đòi hỏi kỹ thuật viên phải tâm huyết với nghề, tận tình chăm sóc, yêu quý đàn chim con. Phải chăm chim như chăm con mọn mà mỗi kỹ thuật viên quản lý phải chăm từ 120-150 "đứa con" một lúc" - ông Viễn tâm sự.
KỲ NAM