Thăm làng nghề 700 tuổi
Khám phá làng nghề truyền thống mang đậm chất phiêu lưu, mạo hiểm; nếm thử món ăn của vua chúa; nghe những người trải lòng về những lúc treo leo trên vách đá giữa biển khơi; ngắm bãi san hô sặc sỡ sắc màu…Đó là những trãi nghiệm thích thú khi đến thăm đảo Hòn Nội – thủ phủ của nghề nuôi yến sào Khánh Hòa.
Đăng Khoa
Nghề yến sào ở đây có từ lâu đời hơn, cộng với số lượng đảo có chim yến làm tổ cũng như sản lượng yến sào vượt trội, nên tuor tìm hiểu nghề yến sào ở Khánh Hòa hấp dẫn du khách hơn. Tàu cập bến đảo Hòn Nội, người hướng dẫn viên cho biết đây là cái nôi của nghề yến sào của Khánh Hòa.
Việc đầu tiên là chúng tôi tham quan miếu thờ ông Tổ nghề yến sào. Ông đã lập ra thôn Bích Đầm và tìm ra các đảo yến. Nghề yến sào ra đời từ đó. Theo sử sách, khi ông Đạt chết, người dân Khánh Hòa gọi ông là Tổ nghề yến sào nên đã lập miếu thờ ông trên đảo Hòn Nội. Rải rác khắp Hòn Nội còn có những ngôi nhà chòi cheo leo trên vách đá rất hiểm trở (vì chim yến thường chọn chỗ hiểm trở để làm tổ nên người bảo vệ cũng phải làm chòi sát bên để canh giữ “vàng trắng”). Qua những người thợ khai thác và bảo vệ chim yến, chúng tôi được biết để thu hoạch được tổ yến trên những vách đá dựng đứng, người xưa chỉ dùng đôi tay và chân trần để leo; không chỉ có sức khỏe dẻo dai và lòng dũng cảm, họ còn là những người leo núi cự phách. Hiện tại, những người thợ leo núi cự phách. Hiện tại, người thợ khai thác buộc phải làm giàn dáo và thắt dây an toàn như những vận động viên leo núi nhưng thần chết vẫn luôn rình rập không chỉ trong thu hoạch bảo vệ mà trong cả lúc ngủ. “Nhiều chòi canh ở trên đỉnh cao hàng trăm mét, lại sát mép biển, rất hiểm trở đến nỗi khi ngủ người bảo vệ phải mắc dây an toàn, vì có khi nửa đêm thức dậy đi vệ sinh đầu óc lơ mơ sẽ trả giá bằng tính mạng”, một người tên Nam cho biết. Nghe những lời kể khiến chúng tôi ví họ là những “người nhện”.
Nghe những “người nhện” kể chuyện lúc vừa viếng đền thờ ông tổ của một nghề đã có từ 700 năm trước, cộng với việc nhìn thấy chòi nhỏ xíu và những giàn dáo dày đặc cây cheo leo trên vách đá trên những hòn đảo nhìn thấy trên đường đi, chúng tôi cho rằng nghề yến sào Khánh Hòa là một trong những làng nghề truyền thống độc đáo nhất Việt Nam. Sau khi tìm hiểu nghề yến sào, chúng tôi lên con tàu đáy kiếng để xem rặng san hô sát bên Hòn Nội. Chúng tôi đã thấy rõ từng cành nhánh, màu sắc nhỏ xíu bơi sát đáy biển. Sau 15 phút lướt trên bãi san hô, con tàu tấp vào một đảo nhỏ như mô đá rộng khoảng 1 ha. Giữa tảng đá có một hang đá khá sâu nên yến chọn làm tổ. Khi chui vào hang chúng tôi thấy hàng trăm tổ san sát nhau, có khoảng 30 con chim yến đang nằm trong tổ thản nhiên nhìn khách. Trong lúc đó người hướng dẫn viên ví von: “Chúng ta đang ngắm kho báu. Tôi ví như vậy vì người ta ví yến sào là vàng trắng vì hiện tại 1kg tổ yến có giá gần cả trăm triệu đồng”. Người hướng dẫn viên cho biết thêm chim yến có vóc dáng cực nhỏ, nhưng sức lực rất khỏe, có thể bay không nghỉ từ sáng đến tối để đớp côn trùng. Chúng thường tìm vách đá dựng đứng, hoặc hang đá hiểm trở ở nơi hoang vắng để làm tổ mỗi năm 2 lần bằng việc dành 35 đến 40 ngày tiết ra nước bọt như sợi tơ chứa nhiều chất rất bổ dưỡng. Vì vậy, hàng ngàn năm qua, người Việt đã khai thác tổ yến cung tiến vua chúa.
Đến trưa hôm đó chúng tôi thưởng thức những món đậm hương vị riêng của Hòn Nội, gồm những món đặc sản biển tươi sống, đặc biệt nhất là món cá rô biển nướng chấm muối é (một loại cây có vị chua mọc trên Hòn Nội) khiến ai cũng khen ngon quá. Sau bữa ăn chính, nhân viên nhà hàng dọn lên cho mỗi người một chén chè yến nhỏ xíu. Mọi người trịnh trọng chầm chậm tận hưởng món ăn cung đình…
Trích Thời báo Kinh tế Việt Nam số 144 (17/6/2011)