Phát triển quần thể chim yến hàng tại các đảo vùng ven biển tỉnh Phú Yên
Là tỉnh có điều kiện thuận lợi cho môi trường sống của quần thể chim yến hàng, nhưng trong suốt một thời gian dài ở Phú Yên không ghi nhận được sự xuất hiện làm tổ của loài chim này. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây số lượng chim yến hàng về làm tổ tại các hang đảo ven biển tỉnh Phú Yên ngày càng tăng, số hang có yến làm tổ ngày càng nhiều. Có sự thay đổi này là nhờ triển khai có hiệu quả dự án “Phục hồi, phát triển, quản lý và bảo vệ quần thể chim yến hàng tại các hang đảo vùng ven biển tỉnh Phú Yên”. Do Công ty Yến sào Khánh Hòa phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Phú Yên triển khai thực hiện. Thành công của dự án không chỉ góp phần bảo tồn loài chim yến hàng, bảo vệ môi trường mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn liền bảo vệ an ninh quốc phòng.
Chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus) là loài chim phân bố ở vùng Đông Nam Á, trong đó phân loài Aerodramus fuciphagus germani là phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là phân loài cho tổ có chất lượng cao hàng đầu thế giới, chúng thường làm tổ trong hang, ngách, nẻ vách núi đá cheo leo vùng ven biển hoặc các đảo. Quần thể phân loài chim yến này phân bố từ Quảng Bình đến Côn Đảo, Phú Quốc, trong đó Khánh Hòa là tỉnh tập trung số lượng quần thể chim yến đảo phát triển ổn định và lớn nhất nước. Chất lượng tổ yến đảo xuất xứ từ Việt Nam được đánh giá cao được khách hàng trên thế giới ưa chuộng nhưng sản lượng yến sào tăng trưởng chậm so với một số nước trong khu vực.
Phú Yên nằm ở phía đông dãy Trường Sơn và có nhiều dãy núi trải dài kéo sát biển, tạo nhiều hang động, eo vịnh, ngách, nẻ nằm dọc vùng ven biển. Với điều kiện nhiệt độ trung bình 24,1-26,6oC và độ ẩm 80-82%, Phú Yên có điều kiện thuận lợi cho môi trường sống của quần thể chim yến hàng. Bên cạnh đó, Phú Yên có hơn 72 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất lúa là 26 nghìn ha cùng các đồng bằng ven lưu vực sông Ba, Bàn Thạch và Kỳ Lộ, là điều kiện lý tưởng để cung cấp nguồn thức ăn cho loài chim này. Đó là những điều kiện thuận lợi cho Phú Yên phát triển quần thể chim yến hàng trong khu vực trọng điểm Khánh Hòa - Phú Yên - Bình Định. Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài, Phú Yên không ghi nhận sự xuất hiện làm tổ của loài chim yến hàng, mặc dù trước đó có một số hang có loài chim này làm tổ. Trong khi đó, tại 2 tỉnh lân cận (Khánh Hòa, Bình Định) các hang có chim yến làm tổ được quản lý, bảo vệ và ứng dụng các tiến bộ KH&CN như kỹ thuật di đàn, nhân đàn nên số lượng quần thể chim yến hàng ngày càng gia tăng.
Để phục hồi và phát triển bền vững quần thể chim yến hàng tại các hang đảo ven biển trên địa bàn tỉnh nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sản phẩm hàng hóa mới (yến sào); gắn liền phát triển kinh tế địa phương với bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án “Phục hồi, phát triển, quản lý và bảo vệ quần thể chim yến hàng tại các hang đảo vùng ven biển tỉnh Phú Yên”. Thành công của dự án đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương, đồng thời khẳng định sự đóng góp hiệu quả của Chương trình nông thôn miền núi.
Kết quả thực hiện dự án
Dự án đã tổ chức thành công 2 hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên yến sào vùng ven biển Phú Yên; 6 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân địa phương có các hang đảo yến đang thực hiện dự án tại các huyện Tuy An, Đông Hòa và thị xã Sông Cầu. Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức thành công Hội thảo “Định hướng phát triển quần thể chim yến hàng vùng ven biển tỉnh Phú Yên đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Thông qua Hội thảo, dự án đã giới thiệu đến các đại biểu tiềm năng phát triển hang đảo yến tại Phú Yên; các vấn đề liên quan đến bảo vệ quần thể chim yến đảo; kinh nghiệm trong việc bảo vệ và phát triển nghề yến sào...
Dự án đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, lao động phổ thông bước đầu nắm bắt được các kỹ thuật (như phát triển hang đảo yến mới; kỹ thuật di đàn yến mới ấp nở nhân tạo vào các hang yến mới; quy trình kỹ thuật dẫn dụ và phát triển ổn định quần thể chim yến hàng; quy trình quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững quần thể chim yến đảo...), bí quyết công nghệ và có thể tiếp tục duy trì, triển khai nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc. Đây là lực lượng nòng cốt sẽ phát triển nghề nuôi chim yến hàng tại Phú Yên trong thời gian tới.
Bên cạnh việc đào tạo, tập huấn, để nâng cao nhận thức cũng như phổ biến kỹ thuật nuôi chim yến đến đông đảo người dân trong tỉnh, dự án đã phối hợp với cơ quan truyền thông (Đài truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên...) thực hiện một số phóng sự, bài viết tuyên truyền về nghề nuôi chim yến; xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ và khai thác yến hàng trên địa bàn tỉnh...
Tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ chim yến đảo
Về điều tra, khảo sát các hang đảo vùng ven biển
Dự án đã tiến hành điều tra, khảo sát tổng thể được 38 hang đảo thuộc địa phận tỉnh Phú Yên và 3 hang nằm giữa ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên. Hầu hết các hang đảo này nằm gần vùng bờ ven biển, tập trung ở khu vực phía bắc tỉnh (từ xã Xuân Thịnh đến xã Xuân Hải) và phía nam khu vực Hòn Nưa - Mũi Điện. Các khu vực tiếp giáp với tỉnh Bình Định và Khánh Hoà (là 2 địa phương có quần thể chim yến đảo phát triển ổn định và lớn nhất cả nước) nằm trong khu vực kiếm ăn và đường chim bay đi về, nên rất thuận lợi cho chim yến làm tổ và phát triển bầy đàn. Ngoài các hang đảo đã khảo sát, còn có nhiều ngách, nẻ dọc ven biển có khả năng chim yến làm tổ. Qua khảo sát cho thấy, các hang đảo này có đặc điểm và cấu trúc tương đồng với các hang đảo mà Công ty Yến sào Khánh Hoà đã thực hiện thành công kỹ thuật di đàn và phát triển quần thể chim yến trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Đây là cơ sở cho việc áp dụng các kỹ thuật này vào việc phục hồi, phát triển quần thể chim yến hàng tại các hang đảo ven biển ở Phú Yên.
Khảo sát chọn hang để phát triển hang yến mới tại Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu
Từ kết quả điều tra, khảo sát tổng thể, dự án đã tiến hành điều tra, khảo sát chi tiết và xác định được 14 hang đảo có tiềm năng phục hồi, bảo vệ và phát triển quần thể chim yến hàng. Các hang này có đặc điểm thuận lợi như: lòng hang rộng, cao; hướng miệng hang, vách đá chim làm tổ, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thích hợp cho công tác triển khai phục hồi và phát triển quần thể chim yến hàng. Ngoài ra, xung quanh hang còn có nhiều thảm thực vật giúp tạo điều kiện vi khí hậu, nguồn thức ăn cho chim yến và không ảnh hướng đến điều kiện phát triển của chim yến hàng.
Về xây dựng mô hình nuôi chim yến hàng
Qua 4 năm triển khai, nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong việc phát triển hang đảo yến mới và phục hồi quần thể chim yến tại một số hang đảo, dự án đã đạt được những thành công bước đầu. Dự án đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi chim yến hàng tại 14 hang đảo (vượt 2 hang đảo so với kế hoạch được duyệt). Số hang có chim yến sinh sống và làm tổ là 4. Hàng năm, Ban chủ nhiệm dự án đã phối hợp với Công ty Yến sào Khánh Hòa phát triển hang đảo yến mới bằng kỹ thuật di đàn chim yến vào các hang đảo đã có chim và chưa có chim làm tổ, nhờ vậy quần thể chim yến hàng ngày càng phát triển và tăng dần từng năm. Hang có chim yến sinh sống nhiều nhất là Từ Nham (thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) với số lượng trên 140 con.
Tổng số tổ yến thu hoạch được từ mô hình nuôi chim yến hàng do dự án thực hiện là 231 tổ (hang thu hoạch tổ cao nhất là hang đảo Từ Nham với số lượng 35 tổ). Số tổ thu được tăng theo số lượng phát triển quần thể chim yến (tăng 1,2-1,8 lần). Tổ yến thu được có chất lượng tốt, hình bán nguyệt, đường kính tổ đạt 30-50 mm, chân dày, lồng trong tổ có cấu trúc xơ mướp, màu trắng trong hơi đục, trọng lượng trung bình 10-12 g/tổ.
Nuôi chim con 30 ngày tuổi và huấn luyện chim tại hang đảo Hòa An
Một thành công khác của dự án trong việc thực hiện mô hình nuôi chim yến hàng là ghi nhận được có những tổ chim yến có khả năng đẻ trứng 2-3 lần. Đây là dấu hiệu quan trọng để có thể phát triển quần thể đàn chim yến nhanh và tăng chu kỳ khai thác chim yến. Trên cơ sở quan sát đặc điểm sinh học của quần thể chim yến tại Phú Yên, dự án nhận thấy có thể khai thác tổ 2 lần/năm (vào tháng 4 và 8). Tuy nhiên, với mục tiêu là phục hồi và phát triển quần thể chim yến nên dự án chỉ tiến hành khai thác tổ 1 lần/năm (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, sau khi chim con đã bay đi kiếm mồi).
Tổ yến khai thác ở hang yến Phú Yên
Hiệu quả của dự án
Sau 4 năm triển khai, mặc dù chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao (theo kinh nghiệm của Công ty Yến sào Khánh Hòa, việc phục hồi và phát triển quần thể chim yến hàng phải đầu tư 10 năm, sau đó mới có thể thu hồi vốn và thu được lợi nhuận cao trong những năm tiếp theo) nhưng với việc khôi phục thành công quần thể chim yến hàng tại Phú Yên, dự án đã tạo ra nguồn giống vô cùng quý giá cho phát triển nghề nuôi chim yến hàng của tỉnh. Với số lượng chim yến hiện có, nếu tiếp tục được đầu tư quản lý, bảo vệ và có giải pháp KH&CN hợp lý để phát triển thì các năm sau sẽ tăng lên đáng kể. Nguồn giống chim yến hàng quan trọng này là nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nguồn tài nguyên yến sào ở Phú Yên cũng như nâng cao sản lượng và chất lượng yến sào của địa phương.
Dự án đã mở ra triển vọng lớn trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra một ngành nghề mới - nghề nuôi chim yến hàng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển miền Trung Việt Nam đến 2020 của Thủ tướng Chính phủ là đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đảo, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái.
Chim yến là động vật hoang dã quý hiếm cần được quản lý và bảo vệ theo Công ước CITES của Liên hợp quốc, Luật Đa dạng sinh học. Việc phục hồi và phát triển quần thể chim yến hàng tại Phú Yên không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường sinh thái. Nguồn thức ăn của chim yến là côn trùng trong tự nhiên, việc phục hồi, phát triển quần thể loài chim này giúp bảo vệ được mùa màng của nông dân, có lợi cho môi trường sinh thái và cây trồng.
Với việc phục hồi và phát triển thành công quần thể chim yến hàng tại Phú Yên nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa và một lần nữa khẳng định hiệu quả của Chương trình nông thôn miền núi. Hy vọng rằng trong thời gian tới, đề án “Hợp tác phát triển và khai thác quần thể chim yến hàng tại Phú Yên” được phê duyệt sẽ góp phần phát triển hơn nữa nghề nuôi chim yến hàng và mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người dân địa phương, tạo ra những sản phẩm yến sào thiên nhiên mang thương hiệu “Phú Yên” có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
ThS Lê Hữu Hoàng
Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa